Cái nhìn chuyên sâu về Khảo sát 2021 của Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI)
Tác giả: Mennah Abdelwahab – Tháng 05/2021
Cải thiện dữ liệu để cải thiện cuộc sống
Chúng tôi đang tạo ra những dữ liệu về nhân quyền hàng đầu thế giới, có sức tác động mạnh mẽ, để giúp cải thiện cuộc sống của người dân.
Chúng tôi hướng đến việc đo lường có hệ thống tất cả các quyền trong Bộ luật Nhân quyền Quốc tế ở mọi quốc gia trên thế giới. Thông qua việc đánh giá nhân quyền, chúng tôi đang làm sáng tỏ những gì đang thực sự diễn ra, và đưa ra cho các chính phủ một sự đánh giá để khích lệ việc đối xử với mọi người dân tốt hơn.
Mỗi năm, dữ liệu nhân quyền về chính trị và dân sự của chúng tôi lại được tập hợp bằng khảo sát đa ngôn ngữ được soạn thảo cẩn thận, với người tham gia là những chuyên gia trong lĩnh vực này. Cho đến nay, chúng tôi đã mở rộng đến khoảng một phần năm số quốc gia trên thế giới. Hằng năm, chúng tôi đều mở rộng với chi phí khoảng 20.000 USD một năm cho mỗi quốc gia mới. Chi phí này sẽ dành cho việc dịch thuật, liên lạc đại sứ, nghiên cứu, quản trị khảo sát, tăng cường bảo mật trực tuyến, phổ biến điểm của các quốc gia trên Công cụ theo dõi nhân quyền, trực tuyến, miễn phí của chúng tôi và hợp tác với những bên có liên quan trong nước để giúp họ tận dụng tốt nhất dữ liệu thu thập được.
Từ 13 đến 39 quốc gia
Chúng tôi bắt đầu tiến hành khảo sát ở 13 nước vào năm 2017, rồi 19 nước vào năm 2019 và cuối cùng là 33 nước vào năm 2020. Vào cuối năm 2020, chúng tôi đã khởi động một chiến dịch gọi vốn cộng đồng để gây quỹ cho việc mở rộng dữ liệu về các quyền dân sự và chính trị sang khu vực Đông Á và Đông Nam Á với con số cuối cùng đạt được là 44.000 USD. Nhờ đó, chúng tôi đã mở rộng khảo sát đến Hồng Kông, Malaysia và Đài Loan, đồng thời còn có thể tiếp cận đến nhiều người trả lời hơn ở một số quốc gia mà chúng tôi đã triển khai khảo sát từ trước. Chúng tôi rất mong chờ được công bố dữ liệu về các quyền dân sự và chính trị cho những quốc gia này lần đầu tiên vào năm 2021 – chúng tôi đã mở rộng tổng cộng đến 39 nước.
Những “miêu tả neo” (Anchoring Vignettes) là gì và tại sao thông tin này lại quan trọng?
Sau 2 tháng mong chờ và lo lắng thì khảo sát đã đóng lại và dữ liệu đang được xử lý. Vào tháng Tư hằng năm, chúng tôi lại nhận được phản hồi từ hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, cho chúng tôi biết mức độ phổ biến của những sự vi phạm nhân quyền ở quốc gia của họ trong năm trước.
Một bước quan trọng trong việc xử lý dữ liệu là phân tích câu trả lời của những người phản hồi cho câu hỏi về nhóm các quốc gia giả định: những ‘miêu tả neo’. Câu trả lời mà mọi người đưa ra cho những câu hỏi về những miêu tả neo này sẽ cho chúng tôi biết cách diễn giải câu trả lời của họ về quốc gia của chính họ. Điều này cho phép chúng tôi so sánh đúng mức câu trả lời của nhiều người, kể cả khi họ hiểu câu hỏi theo cách khác nhau hoặc diễn giải thang đo theo cách khác nhau (từ “một chút” cho đến “cực kỳ”).
Còn một lý do nữa khiến những miêu tả này rất quan trọng. Những miêu tả neo miêu tả các tình huống ở 3 quốc gia tưởng tượng, luôn đại diện cho 3 nhóm: một quốc gia tôn trọng nhân quyền khá tốt, một quốc gia tôn trọng nhân quyền rất tệ và một quốc gia ở mức trung bình. Chúng tôi dự kiến mỗi người tham gia sẽ trả lời hơi khác một chút khi đặt từng quốc gia trên thang điểm, nhưng mọi người phải sắp xếp các quốc gia theo thứ tự giống nhau, quốc gia tốt sẽ có điểm cao nhất và quốc gia tệ sẽ có điểm thấp nhất. Nếu một người trả lời sắp xếp theo thứ tự khác, chúng tôi phải giả định rằng người này không chú ý hoặc không hiểu biết rõ về nhân quyền. Nếu một người sắp xếp sai trật tự các quốc gia trong miêu tả neo, chúng tôi phải loại bỏ câu trả lời của người đó cho quốc gia của họ trong mục này. Tóm lại, bạn cần phải trả lời đúng câu hỏi có miêu tả neo nếu muốn những câu trả lời khác của bạn được ghi nhận trong dữ liệu của Công cụ theo dõi nhân quyền.
Khi bắt đầu làm khảo sát, mọi người có thể cảm thấy lạ lẫm khi đọc về các miêu tả neo, nhưng đó là một phần vô cùng quan trọng trong phương pháp luận, giúp đảm bảo tính hợp lệ và độ tin cậy của dữ liệu.
Mọi cá nhân tham gia trả lời khảo sát đều được hỏi tất cả các câu hỏi
Một trong những điều đôi khi khiến mọi người bất ngờ là chúng tôi hỏi họ về tất cả các nhóm nhân quyền, không chỉ ở những lĩnh vực mà họ đặc biệt có ‘chuyên môn’.
Việc này đã được cân nhắc thận trọng vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, nếu hằng ngày bạn đang làm việc trong một lĩnh vực về nhân quyền, bạn sẽ có nhiều kiến thức hơn về các loại quyền khác so với người bình thường và những hiểu biết của bạn sẽ rất có giá trị.
Thứ hai, từ nhiều nghiên cứu, chúng tôi biết rằng rất khó để mọi người tự lựa chọn một cách chính xác – một số người sẽ khiêm tốn nói họ không phải là chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào, còn một số sẽ nói họ là chuyên gia trong những lĩnh vực mà họ không có nhiều hiểu biết lắm. Do vậy, việc hỏi tất cả các nhà hoạt động nhân quyền mà chúng tôi tiếp xúc về tất cả các nhóm nhân quyền và chấm điểm nằm trong các khoảng tin cậy sẽ sinh ra kết quả tốt hơn.
Cải tiến hằng năm
Quyết định thực hiện các thay đổi đối với khảo sát của chúng tôi chủ yếu dựa trên ý kiến phản hồi mà chúng tôi nhận được từ người trả lời và những Đại sứ. Ví dụ, chúng tôi biết có một vài người trả lời đã nhận xét về độ dài của khảo sát. Từ giờ đến hết năm 2021, chúng tôi sẽ thử các cách để giúp bài khảo sát trở nên nhẹ nhàng hơn đối với những người trả lời khảo sát trong tương lai. Xin cảm ơn tất cả các bạn, những người đã cố gắng vượt qua khó khăn to lớn này!
Ẩn danh người trả lời khảo sát và câu trả lời
Chúng tôi bảo vệ sự ẩn danh của những người trả lời khảo sát trong toàn bộ quá trình. Chúng tôi nhận thức được rằng ở một số nước, việc báo cáo về tình trạng nhân quyền là một việc làm nguy hiểm.
Không ai, kể cả chúng tôi, biết được từng bộ câu trả lời đến từ đâu. Chúng tôi cũng có quy trình để loại bỏ thông tin nhạy cảm nhất từ những câu trả lời này trước khi tổng hợp câu trả lời thành những số liệu chung và đăng tải trên Rights Tracker của chúng tôi.
Công cụ bạn có thể sử dụng
Sau khi đã chấm điểm quốc gia và tóm tắt những phản hồi định tính mà mọi người đưa ra bằng ngôn từ của họ, chúng tôi sẽ đăng tải dữ liệu lên Rights Tracker. Trên trang web này, bất kỳ ai cũng có thể biết được về tình hình tôn trọng 8 quyền dân sự và chính trị cũng như 5 quyền kinh tế và xã hội của từng nước (được đo lường bằng phương thức khác nhau). Trang web cho phép người dùng so sánh tình hình ở các quốc gia và đi sâu tìm hiểu những nhóm người nào đang phải đối mặt với nguy cơ bị vi phạm đối với từng quyền.
Các luật sư nhân quyền, nhà báo, chính phủ, hội dân sự, nhà đầu tư và những người khác có thể dùng dữ liệu nhân quyền trên Rights Tracker của chúng tôi để cải thiện cuộc sống của người dân. Theo thời gian, dữ liệu có thể tiết lộ các xu hướng và cung cấp những con số chuẩn xác, đi kèm với những câu chuyện cá nhân cảm động để tăng cường sự ủng hộ và vận động hành lang. Việc nhìn vào những con số có thể giúp định hình mục tiêu ưu tiên và chiến lược.
Tìm hiểu thêm!
Chúng tôi rất mong chờ đến thời điểm công bố bộ dữ liệu năm 2021 vào ngày 24/06/2021. Để cập nhật kịp thời công tác công bố dữ liệu, hãy đăng ký nhận bản tin của chúng tôi và theo dõi chúng tôi trên Twitter, Facebook, và LinkedIn.